Tham gia làm quản trang và tắm rửa cho những hình hài xấu số ở nghĩa trang thai nhi (NTTN tại địa chỉ: số 3/23, KP.4 đường Nguyễn Ái Quốc, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) từ năm 2016, ông Dương Minh Giai đã chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng khi các bạn trẻ đem chính giọt máu của mình đến đây nhờ an táng…
Theo ông Giai, trong số hàng vạn thai nhi được nằm sâu trong các “ngón tay” của NTTN, có những câu chuyện cảm động rơi nước mắt; không ít cháu bé đã hình thành con người thực sự với đầy đủ các bộ phận của cơ thể.
Quặn lòng tiếp nhận thai nhi
Trong hơn 4 năm chăm sóc NTTN và tiếp nhận thai nhi do các tình nguyện viên đưa về, ông Dương Minh Giai (60 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) nhiều lần rụng rời tay chân khi nhìn thấy hình hài của những bào thai đã phát triển trọn vẹn. Có rất nhiều lý do được cha mẹ thai nhi đưa ra, nào là thai không phát triển, thai bị dị tật bẩm sinh; hoặc gia đình khó khăn sợ nuôi không nổi…
Ông Giai kể, có lần một thanh niên mang bọc nhỏ trong đó đựng thai nhi đến NTTN nhờ an táng. Mở ra xem, tay chân ông Giai nổi “gai ốc” khi thấy cơ thể đứa bé nguyên vẹn với tay chân, mặt mũi, tóc tai hoàn chỉnh. Đã từng làm cha 3 đứa con nên ông Giai không khó cảm nhận thai nhi đó phải hơn 8 tháng tuổi, nghĩa là chỉ còn không lâu nữa là cháu chào đời. Trước tình cảnh ấy, ông Giai hỏi người thanh niên vì sao không giữ bé lại nuôi, mà phá đi khi thai đã lớn? Người này nhận làm cha bào thai, thú nhận bà vợ khi đi siêu âm, bác sĩ nói thai bị dị tật nên sợ sinh ra bé sẽ bị tật nguyền. Ông Giai không đồng ý cách giải thích này, liền phản ứng: dù cháu bé chào đời mà khiếm khuyết cơ thể cũng hạnh phúc hơn vì được nhìn thấy cuộc đời, đấng sinh thành và người thân yêu. Hơn nữa, đây là quyền được sinh ra của mọi con người, không lý do gì mà phải tước đi sự sống của những sinh linh còn nằm trong bụng mẹ. Nghe đến đây, người cha đứng lặng im, nhìn chăm chú vào bọc thai hồi lâu mới lững thững ra về.
Trường hợp khác, một thanh niên đi ô tô chở theo chiếc hộp đựng bào thai con mình đã chết đưa cho ông Giai, cho biết thai nhi mới được 4 tháng. Vì hoàn cảnh khó khăn, trong khi vợ chồng đã có 2 cháu nhỏ, sợ sinh thêm sẽ không có điều kiện chăm sóc con. Thấy thai nhi có chiều dài hơn 20cm, cơ thể vẫn đang phát triển, ông Giai khẳng định đứa bé phải hơn 6 tháng tuổi. Không thể kìm hãm bức xúc, ông Giai thẳng thắn: “Bào thai này không thể là 4 tháng như anh nói, mà phải lớn hơn. Sao cha mẹ không ráng giữ cháu lại nuôi, phá bỏ như vậy không thấy thương tiếc sao? Anh than gia đình kinh tế khó khăn, sợ sinh ra cháu sẽ thiệt thòi, trong khi anh lại đi ô tô nghe không lọt tai chút nào”.
Không ít lần ông Giai tiếp nhận thai nhi từ sinh viên, học sinh đem đến. Hậu quả này là những lần “sống thử” của tuổi trẻ, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Vì không thể vác bụng bầu đi học, hoặc nuôi con khi còn ngồi ghế nhà trường nên những cô cậu này lén lút đi phá bỏ giọt máu do mình tạo nên.
Câu kinh thay… lời hát ru
Có thể nói, trên thế gian này rất hiếm các bà mẹ, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam sinh con ra mà không một lần ầu ơ để ru các bé chìm vào giấc ngủ ngon trong vòng tay yêu thương của mình. Thế nhưng, số phận của các thai nhi đã không có được diễm phúc nghe tiếng hát ru của mẹ. Đó là mất mát, vì các bé không có cơ hội nào nữa để được cất tiếng khóc chào đời, hay được mẹ ôm ấp, nâng niu vỗ về. Chỉ đến khi cha mẹ định thần lại, nhớ đến giọt máu của mình, nhận ra được sai trái thì đã quá trễ. Lẽ ra, giá như được sinh con các bé sẽ được mẹ ru ngủ bằng những lời hát ru ngọt ngào thì nay thay vào đó là những câu kinh sám hối đầy nước mắt tại nơi yên nghỉ của những thiên thần bé bỏng.
Hằng ngày, tại NTTN thường xuyên có các cặp đôi còn trẻ và cả trung niên đến thắp nhang, nguyện cầu trước những sinh linh nằm dưới lòng đất lạnh khi chưa kịp làm người. Những người đến đây thường mang tâm trạng u uất, thậm chí là “tội đồ” của con mình. Vì thế, nhiều người đứng lặng hàng giờ ở nghĩa trang; lầm rầm thủ thỉ với những thân phận đã bị chính cha mẹ bỏ đi. Không ít trường hợp đội áo mưa, đơn độc đứng mãi trước nấm mồ chôn con nhỏ, mặc cho mưa rơi phủ đầy mặt, mặc cho gió rít lạnh lùng họ vẫn không rời đi. Những lời tâm sự khi “nói chuyện” với hình hài nằm dưới huyệt mộ chắc hẳn đau đớn lắm!
Ông Giai nhớ lại, những trường hợp đem thai nhi đến NTTN nhờ an táng, sau đó đều quay lại viếng thăm con mình. Thời gian đầu khi đến thắp nhang cho con, các bà mẹ phần lớn đều khóc; cá biệt có người còn lớn tiếng gọi con dậy một cách não nề, rất thảm thiết. “Chắc chắn đó là vết thương lòng của cha mẹ sẽ còn đeo đuổi họ mãi, không dễ gì xóa nhòa được. Cho dù người đời có thể thông cảm cho hành vi nông nổi ấy của họ, nhưng lương tâm của bậc làm cha, làm mẹ không dễ gì quên đi giọt máu hình thành trong bụng mẹ từ lúc khởi đầu cho đến khi bị chối bỏ” – ông Giai tâm sự, và kết thúc chuyện kể với tôi bằng tiếng thở dài não ruột.
Hà Thiên