Đón nhận 4 phận người không cha mẹ, không còn ai là người thân, chỉ còn nợ nần phòng trọ, vài ba đồ đạc rẻ tiền và còn lại tình làng nghĩa xóm nhưng đã mệt mỏi và buông dần.
Chưa khi nào tiếp tôi tiếp nhận trường hợp như vậy. Thường là người mẹ mang thai, hay người mẹ đơn thân của, hoặc là người vô gia cư cuối đời, hay của người bố đơn thân nuôi con. Đàng này là một đứa trẻ lại là con trai, mới 15 tuổi, đang học lớp 9, dẫn theo 3 đứa em nhỏ xíu đi tạm lánh. Não nề và tang thương, người anh nuôi 3 em nhỏ! Tất cả chúng tôi đều nhói đau, tê tái và tự hỏi cha mẹ chúng đâu rồi, làm sao thằng con trai lớp 9 có thể nuôi được các em của nó. Nó cũng khóc như một đứa con nít.
Người lớn nhất trong nhà là anh cả đang học lớp 9; đứa em gái 4 tuổi tóc buông che mặt biết phân biệt người quen người lạ; đứa em trai 2 tuổi thơ ngây chỉ biết uống sữa và vui chơi; còn lại đứa út gái 8 tháng tuổi cũng chỉ biết uống sữa cho đầy bụng rồi lăn ra ngủ. Tất cả đều đổ dồn lên vai người anh mới 9 tuổi, ăn chưa nó lo chưa tới và còn phải học hành chuẩn bị cho tương lai.
Cha mẹ từ Hà Tĩnh trong những năm khó khăn trôi dạt về Đồng Nai sinh sống, cuộc sống khó khăn hơn khi có quá nhiều miệng ăn mà người cha lại đau bệnh, còn lại người mẹ chỉ biết mượn tiền chi tiêu trong gia đình như mất trí. Rồi chuyện phải đến, nợ nần không trả nổi, bị truy sát, túng quẫn cả cha mẹ bỏ lại 4 đứa con nhỏ ở nhà ra đi không lời giã từ, không trăn trối, mặc cho các con sống chết theo số trời.
Thằng cả tên Q tội nghiệp : vừa phải lo việc học hành, vừa phải chăm sóc cho các em, đặc biệt đứa 8 tháng mới biết bò, đêm đêm đòi sữa, lại lồm ngồm dậy lo cho em cái gì đó cho no bụng để tiếp tục ngủ. Đàng khác phòng trọ kinh doanh vài tháng không có tiền cũng không thể cưu mang thêm lại nói ra nói vào làm nó mất tinh thần học tập. Cuộc sống cứ thế lê lết trôi đi vừa lo học, vừa lo sữa, vừa lo cơm, đủ thứ và tưởng chừng sẽ tan tành nếu không ra tay cứu giúp.
Hàng xóm thấy vậy tối tối sang chơi khuyên bảo, người người chúc ít cho gia đình nhỏ này tồn tại. Họ cũng bàn nhau tìm lại gia đình thân thuộc để cưu mang tiếp. đt cha mẹ không được, tìm đến chú bác ruột thì tất cả đều có câu trả lời “Chúng tôi không liên can, xin đừng làm phiền!”
Bí quá, họ tìm nơi cho những đứa trẻ này nương tựa “Nhà Tạm Lánh Mai Tiến” xuất hiện trên google và họ gọi cho tôi. Tôi nói các Sr, các nhân viên và những chị em bầu bì đơn thân trong Nhà Tạm Lánh, tất cả đều sẵn sàng giúp cho những đứa trẻ này. Giúp 4 đứa trẻ có nơi chăm sóc, bảo vệ sự sống và bảo vệ tình nghĩa ruột thịt trong gia đình, đồng thời kêu gọi hàng xóm tiếp tục cưu mang đứa lớn để nó tốt nghiệp cấp II. Đợi ngày cha mẹ chúng nghĩ lại và quay lại với các con.
Tôi không biết làm sao thằng lớn làm được : vừa học, vừa lo cơm áo gạo tiền, vừa lo bảo bọc các em của mình, vừa lo cho em út sữa tã hàng ngày. Khi gặp chúng tôi và được tiếp đón tử tế, nó mới bật khóc thành lời chua xót. Tiếng khóc tủi thân, tiếng khóc tăm tối, tiếng khóc được yêu thương và tiếng khóc nhớ mẹ nhớ cha. Nó khóc đúng như một đứa trẻ mà tất cả chúng tôi đều rơi lệ theo tiếng khóc của nó.
Nhà Tạm Lánh được mở ra để trợ giúp mọi hoàn cảnh nhằm Bảo Vệ Sự Sống, bảo vệ tình nghĩa gia đình, bảo vệ tình cảm thiêng liêng mẹ cha, bảo vệ phần hồn khi cố gắng giúp cho những hoàn cảnh vô gia cư ơn chết lành. Hôm nay đón tiếp 4 anh em này, rất may mắn, tất cả chúng đều ngoan và mạnh khoẻ. Hy vọng hàng xóm sẽ tiếp tục cưu mang đứa lớn cho nó đi học, hy vọng nhà trường sẽ tạo điều kiện cho nó được tốt nghiệp, đây là cơ hội duy nhất của nó và chỉ còn vài tuần nữa là xong. Cầu xin Chúa phù hộ, chở che tình nghĩa của gia đình này, cho họ gặp lại cha mẹ. Và cầu xin Lòng Thương Xót Chúa thương xót đã cho chúng ta làm việc này và xin Ngài đón nhận những việc chúng ta làm và chúc lành cho chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tịch