MẠO HIỂM TÍNH MẠNG TRONG THÙNG LẠNH VỀ QUÊ TRỐN DỊCH?!?

Đọc thông tin 15 người trong đó có cả em bé ngồi trong thùng xe đông lạnh về quê trốn dịch mà rùng mình tưởng nhớ đến “vụ 39 người Việt Nam chết trong thùng xe đông lạnh khi trốn sang Anh tìm đất sống, nỗi đau tột cùng của những gia đình Việt”.Thật xót xa cho những di dân hiền lành chỉ biết đến Đồng Nai làm ăn sinh sống giờ lại phải liều mình trốn về quê để sống cho bằng được, bao nhiêu điều tốt đẹp giờ còn lại đau lòng và nhiều câu hỏi đang được đặt ra. Điều gì đã làm cho họ phải mạo hiểm về quê ngay trên mảnh đất Việt Nam của mình. Điều này khiến cho không chỉ chính họ có thể bị chết, liên luỵ đến hình sự mà những người đưa họ đi sẽ bị phạt nặng nề có khi còn bị tù đầy khổ ải. Có cân xứng không khi dám dấn thân vào cuộc mạo hiểm ấy? Chúng ta bảo rằng không cân xứng, nhưng với họ đó là là điều cân xứng và chính họ đã tự nguyện mạo hiểm.

Nhiều di dân phòng trọ ở trong tỉnh Đồng Nai tha thiết xin tôi giúp họ được về quê sinh sống, nhiều thai phụ cũng xin được về quê sinh con. Họ không còn muốn ở lại nơi này, họ không tìm được đường sống nơi đây và trở thành kẻ ăn mày cứ phải ngửa tay xin trợ cấp trong khi vẫn còn mạnh khoẻ. Mọi cái đã vượt quá mức giới hạn và giờ về quê là con đường sống, về quê là lựa chọn, họ không thể đợi chờ thêm được nữa. Tâm sự với họ và với những người hiểu biết, xin chia sẻ những cảm giác :

1/ AN TOÀN – an toàn cho bản thân và gia đình là trên hết. Bản năng sinh tồn cho biết ở đây không an toàn : sức khoẻ, cái ăn, cái mặc, tiền bạc, việc làm, đi lại và con virus vô hình kia sẽ lấy mất cuộc sống bình an và có thể sự sống của họ. Để an toàn thì đường về quê là chắc nhất, ít nhất nơi đó cũng còn có người thân, có đói họ cũng sẽ đùm bọc lẫn nhau, có chết họ vẫn còn có làng xóm họ hàng. An toàn vẫn là lựa chọn trên hết của bản năng sinh tồn, tìm sự sống cho bản thân cũng như gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi lựa chọn. Đó là lựa chọn rất chính đáng và cần được đáp ứng chứ không phải là lời hứa dịch sắp mau qua, xin đợi để cho chúng tôi sắp xếp … Họ không đợi được, họ không sống được bằng những trợ giúp nhỏ nhoi và lời hứa nên đã tự nguyện trả tiền cho cuộc phưu lưu cho dù có bị tù tội, chết chóc.

2/ CẢM GIÁC BẤT LỰC, LO SỢ BẤT LỰC : lo sợ vì dịch bệnh với bao nhiêu khốn đốn, bất lực vì không nuôi nổi gia đình. Đây có lẽ là cảm giác của những người làm chồng, làm cha trong gia đình. Đáng lẽ họ sẽ không bao giờ phải ngửa tay xin tiền, đáng lẽ là người trụ cột trong gia đình với đầy đủ tay chân, sức khoẻ lại không làm được gì hơn cho vợ con của mình ngoại trừ việc đi xin. Cảm giác này sẽ làm cho họ trở nên tự ti và trở thành kẻ sống bám. Đàn ông không kiếm ra cơm áo gạo tiền cho vợ con, giờ lại phải nhờ vợ đi xin những trợ giúp của người khác. Ký ức sẽ không tàn trong tâm trí họ.

3/ TÔN TRỌNG : những anh chị em di dân là những người mang những hoài bão đến đây và đã cống hiến sức trẻ, tài năng của họ để đổi lấy cơm áo gạo tiền không chỉ cho họ mà còn cho quê của họ. Họ đã đóng góp công sức và làm cho Đồng Nai được sầm uất, giờ họ bị coi như những di dân phòng trọ, công dân hạng hai không được ưu tiên về trợ giúp, giấy tờ, đi lại,… đi đâu họ cũng bị phân biệt là di dân phòng trọ. Bị nghi ngờ về lời nói, bị kỳ thị vì nơi họ ở dễ lây lan, bị xem là thứ yếu,… đánh vào lòng tự trọng của họ. Cái cảm giác đó không dễ chịu và thường bị thiệt thòi. Xin xem họ là những người đã đóng góp cho sự thịnh vượng của chúng ta thì cũng tôn trọng và ưu tiên cho họ những gì họ đáng có.

Cảm giác lo lắng, không được tôn trọng và đặc biệt bất lực sẽ đi theo mãi trong cuộc đời họ và có thể họ sẽ không quay lại đóng góp cho chúng ta nữa. Họ đã tự nguyện đến với chúng ta vì những điều tốt đẹp, giờ chúng ta để cho họ gặp nhiều bất trắc và mất an toàn phải tìm mọi cách trốn khỏi chúng ta để trở về quê cho dù có chết.

Những người xin tôi giúp, tôi cũng chẳng làm được gì hơn ngoài việc bảo họ liên lạc với trưởng khu phố hay trưởng thôn rồi lên gặp chủ tịch phường/xã xin về quê. Nhưng tất cả đều bị từ chối vì đưa một người về quê cũng không dễ dàng gì : nào phải lập danh sách, tổ chức người đưa đi, người đón về, nơi đưa đi, nơi đón nhận rất tốn kém và phiền phức, chưa kể đến việc sẽ bị khiển trách vì không lo được cho họ mà quả thật không lo được cho họ, nhưng không dám đối diện với thực tế này.

Chúng ta tự hỏi : sao không đợi chờ thêm vài ngày nữa hết phong toả? Nói thì dễ, đợi chờ được không khi đồ ăn, tiền bạc cạn kiệt, lại còn thêm nợ nần càng ở lâu nợ nần càng chồng lên và biết bao những việc phải làm. Đợi chờ được không khi những lời hy vọng hết kỳ phong toả này rồi lại đến kỳ phong toả khác và liệu 15/9 có phải là ngày được mở cửa nền kinh tế có thể đi lại, có thể đi làm… và điều ấy lại một lần nữa không diễn ra. Làm sao đợi chờ được khi mọi việc càng ngày càng tệ hơn. Chúng ta nói thì dễ và cũng dễ thay đổi lời nói của mình vì mình đang có nhiều điều kiện để sống, còn họ thì đâu được như mình. Không đợi chờ và phải quyết định tìm an toàn.

Từ Đồng Nai 15 con người kia sẵn sàng chui vào thùng xe đông lạnh trốn về quê, từ phòng trọ xa xôi mẹ bầu dắt 2 đứa con nhỏ mới 5 và 3 tuổi hen suyễn đi bộ về quê. Đó là cuộc mạo hiểm, đó là đối diện với pháp luật. Chúng ta không thể nuôi sống họ được, chúng ta không thể giữ chân lại được và với bản năng sinh tồn, lòng tự trọng và bất lực, họ sẽ không đợi chờ và cũng không để cho ai cầm giữ sự sống, lòng tự trọng của họ. Chúng ta cần tìm hiểu về họ để biết những khó khăn họ gặp phải, chúng ta tìm kiếm những ai có nguyện vọng về quê và tận tình giúp đỡ họ đạt ước nguyện chính đáng này. Xin Chúa cho chúng ta luôn tôn trọng sự sống của những người và trợ để mọi người được sống trong bình an với tất cả phẩm giá con người.

Lm Giuse Nguyễn Văn Tịch

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x