Câu hỏi của cô nhà báo “Nguyên nhân nào đã dẫn cha đến với công việc này và biến cố nào làm cha ấn tượng nhất khi làm việc này?”
Câu hỏi của nhà báo dành cho tôi khi lên phỏng vấn của toà soạn báo Thanh Niên. Đây cũng là câu hỏi nhiều người hay đặt ra. Đó là một câu chuyện dài đã được thai nghén khá lâu trước và trong khi thực hiện sứ vụ linh mục.
Trước hết là lý do đức tin và tình thương : với tôi “Thai nhi ở mọi thai kỳ là con người, có bản tính con người và có linh hồn bất tử như mọi người chúng ta”. Tôi cũng như các em, nhưng tôi may mắn được bố mẹ yêu thương đến cùng và với đức tin của bố mẹ, tôi đã được bảo vệ, sinh ra và lớn lên. Còn các em lại không có được may mắn như thế. Thương các em và muốn an táng các em, dành cho các em nơi an nghỉ như những con người bình thường. Nhìn các em bị phá bỏ, cầm các em trên tay tan nát tự nhiên tình thương chỗi dậy và thúc đẩy phải làm gì đó cho các em đặc biệt nghĩ đến việc dâng lễ cho các em; tự nhiên thấy tội lỗi con người thật đáng sợ và cũng muốn làm gì đó để chữa lành cho họ để họ khỏi bị kết án hoả ngục trước toà Chúa.
Thứ hai là về xã hội : tỉ lệ phá thai ở Việt Nam rất cao và việc này cũng đã xuất hiện nhiều ở người Công Giáo. Có những thai nhi lớn và bị phá bỏ rồi bỏ các em ở các thùng rác hoặc các em nhỏ bị cho vào bồn cầu hôi thối xả đi, thậm chí các em còn bị chế biến thành thức ăn cho xúc vật. Còn ở bệnh viện thì các em được coi như “rác thải y tế độc hại và phải sử lý theo quy trình y tế” như rác thải. Từ thực tế đó muốn nói lên cho mọi người thân phận con người của các em để các em được coi trọng, cao hơn là được an táng và cao nhất là có chính sách bảo vệ các em. Tôi đã từng đến nhiều bệnh viện và phòng khám nói chuyện với các bác sĩ rằng “Tôi là một linh mục, tôi tin các thai nhi là con người; tôi không kết tội, không lên án, không xét đoán một ai hay thể chế nào; tôi chỉ muốn đón nhận các thai nhi bị bỏ đi để tôi đem về dâng lễ cầu nguyện và chôn các em vào lòng đất. Vui lòng cho tôi nhận các em đó!”. Tôi cũng muốn làm gì đó để bù đắp lỗ hổng quá lớn tâm linh của xã hội và những ray rứt lương tâm của biết bao người khi mắc phải tội luỵ này.
Thứ ba là sứ vụ linh mục : có nhiều người đến xin xưng tội phá thai hoặc giúp người khác phá thai. Đó là những con người đau khổ các thể xác lẫn tinh thần nhiều năm. Hầu hết các thai nhi con của họ đã không được lấy về, mà có lấy về cũng không biết an táng các bé ở đâu. Có trường hợp vùi các em vào trong mộ của ông bà, sau đó gia đình xáo trộn và một số người trong gia đình đổ tội vì vùi các em vào trong mộ của ông bà như thế, nên phải lấy ra rồi vùi xuống bên lề đường đi. Thật tội nghiệp các em, đã bị chết không toàn thây mà còn bị đổ tội oan như thế mà mình cũng không biết làm gì hơn! Tôi cũng bị từ chối khi xin cho một em được an táng trong một nghĩa trang rất lớn và đẹp nhưng không có chỗ cho các thai nhi, thật xót xa.
Từ những lý do chính đó đó, tôi quyết định phải làm nghĩa trang như công viên cho các em an nghỉ trang trọng, nơi mọi người có thể đến thắp hương cầu nguyện, nơi các em được xin lỗi và nơi đợi chờ ngày phục sinh thân xác các em. Khi về giáo xứ Tây Hải làm chánh xứ, tôi mới có được mảnh đất do người dân vừa dâng hiến, vừa để lại với giá tông đồ làm thành Nghĩa Trang Công Viên Thai Nhi, giờ là Nghĩa Trang Công Viên Thai Nhi của giáo phận Xuân Lộc bên cạnh nghĩa trang giáo xứ Tây Hải. Nơi đây đã đón nhận hơn 53,000 thai nhi và những người vô gia cư, tất cả không phân biệt tôn giáo, có người chăm sóc phần mộ các em và có nhiều người đến kính viếng các em. Điều đặc biệt các em rất linh thiêng, linh thiêng đặc biệt cho những ai đến nói lời xin lỗi, đến xin ơn có con cái và thanh bình. Có những trường hợp thật đau lòng nhưng cũng rất cảm động khi thấy cách mọi người cầu nguyện với các em, đặc biệt các em cho tôi biết những điều tâm linh như thông điệp của các em cho mọi người còn sống, cho xã hội chúng ta.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch, TB BVSS gp. Xuân Lộc.